Danh mục các môn học do bộ môn phụ trách

 

1. Tâm lý học sức khỏe (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC hệ chính quy, vừa làm vừa học)

Tâm lý học sức khoẻ (TLHSK) là một chuyên ngành tập trung vào ứng dụng và phát triển các lý thuyết, khái niệm và phương pháp tâm lý để nghiên cứu các mối quan hệ giữa các yếu tố tâm lý và tình trạng sức khỏe của các cá nhân. TLHSK được đưa vào chương trình giảng dạy cho cử nhân YTCC với mục đích giúp sinh viên YTCC có khả năng áp dụng cách tiếp cận của TLHSK trong xác định và phân tích những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng áp dụng kĩ năng tâm lý giao tiếp trong tiếp cận cộng đồng để xác định và can thiệp vấn đề sức khỏe ưu tiên.

2. Nhân học Y tế & Xã hội học Sức khỏe (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC hệ chính quy, vừa làm vừa học)

Nhân học được định nghĩa là "một ngành nghiên cứu tổng hợp về con người, cụ thể là nguồn gốc, sự phát triển, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và các tạo vật của con người”. Nhân học y tế là một phân ngành của nhân học nhằm ápdụng tiếp cậnlýthuyết của nhân học để phân tích và giải thích các vấn đề về y tế và sức khỏe. Xã hội học được định nghĩa là ngành khoa học xã hội nghiên cứu về xã hội và hành vi xã hội của con người. Xã hội học sức khỏe là một phân ngành của Xã hội học nhằm áp dụng các tiếp cận lý thuyết xã hội học để phân tích và giải thích các vấn đề y tế và sức khỏe.

Từ năm học 2010-2011, môn Xã hội học sức khỏe và môn Nhân học y tế ứng dụng được ghép vào thành môn Nhân học Y tế & Xã hội học Sức khỏe, giảng dạy cho cử nhân YTCC hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học. Trong khóa học này, sinh viên được giới thiệu các khái niệm của xã hội học và nhân học để giải thích các vấn đề sức khỏe như: cấu trúc xã hội, các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe, văn hóa, hòa nhập xã hội v.v và các lý thuyết quan trọng của Nhân học và Xã hội học như Lý thuyết cấu trúc - chức năng, Tiếp cận phiên giải văn hoá, Mô hình Sinh thái - Xã hội..

3. Đạo đức trong thực hành YTCC (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC hệ chính quy, vừa làm vừa học)

Đạo đức trong thực hành YTCC cung cấp cho học viên cách tiếp cận khoa học trong thảo luận và ứng dụng các vấn đề đạo đức và giá trị trong y tế công cộng. Môn học được thiết kế nhằm giúp học viên xác định được các vấn đề/chủ đề cần thảo luận - những vấn đề/chủ đề mà những người hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng luôn gặp phải và buộc họ phải bàn luận sâu về những mâu thuẫn về giá trị và đạo đức phát sinh trong khi áp dụng những kiến thức y tế công cộng vào thực tế.

4. Truyền thông sức khỏe  (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC hệ chính quy, vừa làm vừa học)

Truyền thông sức khỏe (TTSK) là một chiến lược quan trọng của Nâng cao sức khỏe. Trong các chương trình giáo dục sức khỏe (GDSK) và nâng cao sức khỏe (NCSK), chiến lược truyền thông sức khỏe nhằm cung cấp thông tin sức khỏe, tăng cường hiểu biết để thay đổi thái độ và hành vi sức khỏe theo chiều hướng tích cực trong các nhóm đối tượng đích khác nhau. Môn học TTSK cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình truyền thông, các cách tiếp cận và phương pháp truyền thông nhằm cung cấp thông tin, tác động thay đổi thái độ và hành vi. Ý tưởng, thông điệp truyền thông; cách thiết kế và thử nghiệm thông điệp và tài liệu truyền thông sẽ được trình bày, thảo luận và thực hành trong khóa học. Các kiến thức và kỹ năng về TTSK là cơ sở quan trọng để người làm công tác TT-GDSK  áp dụng trong việc thiết kế  và thực hiện chương trình GDSK-NCSK. Đây cũng là nhu cầu đào tạo bức thiết của cán bộ y tế tham gia công tác TT-GDSK hiện nay.

5. Đại cương Giáo dục sức khỏe -Nâng cao sức khỏe  (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC hệ chính quy, vừa làm vừa học; CKI YTCC; Thạc sĩ YTCC)

Là môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hành vi sức khỏe, các yếu tố quyết định vấn đề sức khỏe, cách tiếp cận toàn diện, các phương pháp và kỹ năng cơ bản để giải quyết vấn đề sức khỏe thông qua việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá chương trình NCSK. Dựa trên nền tảng cơ bản về khoa học quản lí, khoa học chính sách, xã hội học, môn học này trang bị kiến thức và kĩ năng phân tích sâu các vấn đề sức khỏe đặc biệt là về khía cạnh xã hội trên cơ sở đó tập trung can thiệp một cách phù hợp và toàn diện từ truyền thông thay đổi hành vi đến tạo môi trường thuận lợi duy trì hành vi lành mạnh… cũng như các giải pháp khác góp phần giải quyết vấn đề.

6. Đại cương Giáo dục sức khỏe -Nâng cao sức khỏe cộng đồng  (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy)

Đại cương về Giáo dục sức khỏe và Nâng cao sức khỏe (GDSK-NCSK) cộng đồng là một môn học thuộc nhóm kiến thức cơ sở của khối ngành của chương trình đào tạo Cử nhân CTXH. GDSK đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và hành vi của đối tượng đích. NCSK là quá trình tạo điều kiện thuận lợi để người dân thay đổi hành vi sức khỏe, tăng cường khả năng kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, từ đó sức khỏe người dân được cải thiện. Môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sức khỏe, hành vi sức khỏe, các yếu tố quyết định vấn đề sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chiến lược NCSK cơ bản mà Tổ chức Y tế thế giới đã xác định; bước đầu đề cập các lí thuyết về hành vi, các chiến lược GDSK, NCSK cơ bản để định hướng nghiên cứu giải quyết vấn đề sức khỏe trong các môn học tiếp sau.

7. Xã hội học đại cương (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy)

Xã hội học là ngành khoa học nghiên cứu các quy luật chung của sự tồn tại, hoạt động và phát triển của xã hội, các mối quan hệ xã hội, sự tác động qua lại giữa các thành phần cơ bản của xã hội tạo thành xã hội như một chỉnh thể. Môn học "Xã hội học đại cương" sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản của xã hội học. Từ đó, sinh viên hiểu biết được một số quy luật cơ bản của các sự kiện, hiện tượng xã hội và có thể vận dụng lý giải một số sự kiện, hiện tượng trong xã hội hiện nay.

8. Xã hội học sức khỏe (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy )

Xã hội học sức khỏe trang bị cho sinh viên kiến thức và khả năng phân tích các yếu tố xã hội trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chương trình can thiệp CTXH. Việc xác định và phân tích được ảnh hưởng của các yếu tố xã hội đến thái độ, hành vi của cá nhân và cộng đồng đối với các chương trình can thiệp CTXH là rất cần thiết để dẫn đến sự thành công của các chương trình đó.

9. Tâm lý học đại cương (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy)

Tâm lý học đại cương giới thiệu cho sinh viên về đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu, chức năng, bản chất hiện tượng tâm lý người và sự đa dạng của các hiện tượng tâm lý trong đời sống con người; Những vấn đề về cơ sở tự nhiên, cơ sở xã hội của tâm lý, sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức về phương diện cá thể; Các quá trình nhận thức như cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng và trí nhớ, ngôn ngữ của con người; Một số vấn đề cơ bản về bản chất, các thuộc tính tâm lý của nhân cách và con đường hình thành nhân cách; Những sai lệch hành vi về mặt tâm lý trong sự phát triển nhân cách và biện pháp khắc phục chúng. Đây là môn học nền tảng để giúp sinh viên hiểu về lĩnh vực tâm lý học trước khi tiếp tục học các môn chuyên ngành sâu hơn của công tác xã hội.

10. Tâm lý học sức khoẻ (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy)

Môn học Tâm lý học sức khỏe trang bị cho sinh viên các kiến thức và một số kỹ năng cơ bản của tâm lý học để áp dụng vào thực hành nghề nghiệp công tác xã hội. Đây là một trong những môn học nền tảng của công tác xã hội, giúp sinh viên có thể nắm bắt được tâm lý ở các giai đoạn tuổi khác nhau, sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể có, cũng như phân tích các yếu tố tác động tới tâm lý của khách hàng, qua đó giúp cho việc thấu hiểu, giao tiếp với khách hàng hiệu quả hơn, đồng thời có thể hỗ trợ cho việc lựa chọn các giải pháp để trợ giúp cho khách hàng một cách phù hợp nhất. Đây là môn học giúp sinh viên liên kết các kiến thức về tâm lý học đại cương đã học ở kì trước với các vấn đề sức khỏe, từ đó tiếp tục học các môn chuyên ngành của công tác xã hội tốt hơn. Điều kiện tiên quyết: sinh viên đã hoàn thành môn Tâm lý học đại cương.

11. Công tác xã hội trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần (Giảng dạy cho Cử nhân CTXH hệ chính quy)

Đề án Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa ra mục tiêu 90% số người rỗi nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, ngoài sự tham gia của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, đòi hỏi phải đào tạo đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên sâu về công tác chăm sóc SKTT.

Môn học "Công tác xã hội với SKTT" sẽ trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về SKTT, những kỹ năng trong chăm sóc SKTT và áp dụng được kiến thức, kỹ năng của công tác xã hội khi làm việc trực tiếp với nhóm đối tượng này. Đây là môn học tự chọn dành cho sinh viên năm thứ ba hệ CNCQ CTXH.

12. Khoa học hành vi -Nâng cao sức khỏe  (Giảng dạy cho Cử nhân Dinh dưỡng hệ chính quy)

Khoa học hành vi và Nâng cao sức khỏe (NCSK) là một môn học thuộc nhóm kiến thức cơ sở của chương trình đào tạo Cử nhân Dinh Dưỡng. GDSK đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và hành vi sức khỏe của đối tượng đích, đặc biệt liên quan tới dinh dưỡng. NCSK là quá trình tạo điều kiện thuận lợi để người dân thay đổi hành vi sức khỏe, tăng cường khả năng kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, từ đó sức khỏe người dân được cải thiện. Môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sức khỏe, hành vi sức khỏe, các yếu tố quyết định vấn đề sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chiến lược NCSK cơ bản mà Tổ chức Y tế thế giới đã xác định; bước đầu đề cập các lí thuyết về hành vi, các chiến lược GDSK, NCSK cơ bản để định hướng nghiên cứu giải quyết vấn đề sức khỏe trong các môn học tiếp sau.

13.  Tâm lý học - y đức (Giảng dạy cho Cử nhân Dinh dưỡng hệ chính quy)

Tâm lý học - y đức trang bị cho sinh viên các kiến thức và một số kỹ năng cơ bản của tâm lý học sức khỏe khi phân tích vấn đề sức khỏe. Sinh viên hiểu được một số đặc điểm tâm lý của con người theo từng giai đoạn tuổi, nhân cách và mối quan hệ với thói quen dinh dưỡng; phân tích được các cơ chế của ảnh hưởng xã hội đến tâm lý con người; mối liên quan giữa ứng phó với căng thẳng và thói quen dinh dưỡng. Ngoài ra, môn học cũng trang bị những kiến thức cần thiết về đạo đức trong nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp của cán bộ dinh dưỡng. Đây là môn học nền tảng để giúp sinh viên hiểu về tâm lý học và mối quan hệ với các vấn đề dinh dưỡng, từ đó tiếp tục học các môn chuyên ngành của dinh dưỡng tốt hơn.

14.  Tâm lý học - y đức (Giảng dạy cho Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng hệ chính quy)

Tâm lý y học – y đức trang bị cho sinh viên các kiến thức và một số kỹ năng cơ bản của tâm lý học khi làm việc với người bệnh/người có nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN) và cộng đồng. Sinh viên hiểu được một số đặc điểm tâm lý của con người theo từng giai đoạn tuổi; phân tích được khía cạnh tâm lý của người khuyết tật và có nhu cầu PHCN; các cơ chế của ảnh hưởng xã hội đến tâm lý con người; cách ứng phó với các tình huống căng thẳng; đồng thời giúp sinh viên nắm được cách thức giao tiếp phù hợp với người bệnh và cộng đồng. Ngoài ra, môn học cũng giới thiệu cho sinh viên các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản để các em nắm được, cũng như có thể áp dụng trong thực hành nghề nghiệp sau này của chính mình.

15. Tiếp thị xã hội (Giảng dạy cho Cử nhân YTCC, Dinh dưỡng hệ chính quy, vừa làm vừa học; CKII Tổ chức và Quản lý y tế)

Tiếp thị xã hội là một phần quan trọng trong chiến lược can thiệp để nâng cao sức khỏe. Tiếp thị xã hội mang các thông điệp nâng cao sức khỏe, các sản phẩm tiếp thị đến với đối tượng đích thông qua các chương trình xúc tiến sản phẩm tiếp thị xã hội, giúp cá nhân chủ động đưa ra những quyết định liên quan đến việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, của gia đình và cộng đồng.

16. Tiếp thị bệnh viện (Giảng dạy cho Thạc sĩ Quản lý bệnh viện)

Là môn tự chọn được giảng dạy vào năm thứ nhất trong chương trình Thạc sĩ Quản lý bệnh viện. Đây là môn học của chương trình đào tạo cung cấp cho học viên những kiến thức tổng quan về marketing, marketing bệnh viện nhằm góp phần nâng cao năng lực cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) và quảng bá dịch vụ CSSK để người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ CSSK hiệu quả.

17. Phương pháp nghiên cứu kết hợp (Giảng dạy cho Thạc sĩ Y tế công cộng, Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Tiến sĩ YTCC và Tiến sĩ QLBV)

Môn học Phương pháp nghiên cứu kết hợp là môn học bắt buộc cho các đối tượng Nghiên cứu sinh của trường. Môn học hỗ trợ cho học viên trong việc bổ sung và cập nhật thêm kiến thức và một số kỹ năng trong nghiên cứu, đánh giá những vấn đề đòi hỏi việc sử dụng cả hai cách tiếp cận (định tính và định lượng). Môn học sẽ cung cấp một số kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc quyết định lựa chọn các mô hình nghiên cứu kết hợp phù hợp để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, đảm bảo việc triển khai thu thập số liệu, chiến lược phân tích và viết báo cáo phù hợp với mô hình nghiên cứu kết hợp đã lựa chọn.

Môn học này dựa trên nền tảng cơ bản của các môn như Dịch tễ học, Phương pháp nghiên cứu khoa học bao gồm phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, Thống kê sinh học. Vì vậy các học viên cần phải hoàn thành các khóa học cơ bản (hoặc có các kiến thức và kỹ năng) về: dịch tễ học, phương pháp nghiên cứu định lượng, phương pháp nghiên cứu định tính, thống kê sinh học trước khi đăng ký tham gia môn học này.

18. Môn Phương pháp Sư phạm y học (Giảng dạy cho Thạc sĩ Kỹ thuật xét nghiệm y học, CKII Tổ chức và Quản lý y tế)

Là môn học  cung cấp cho học viên lí luận về phong cách học tập của người trưởng thành; cách thiết kế chương trình đào tạo, phương pháp dạy-học tích cực, cũng như cách đánh giá kết quả học tập phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo liên tục cán bộ y tế.

19. Các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe (Giảng dạy cho CKII Tổ chức và Quản lý y tế)

Trong số các nhóm yếu tố quyết định sức khỏe, yếu tố sinh học chỉ chiếm 10-15%, còn lại là các yếu tố thuộc về dịch vụ y tế, về môi trường (tự nhiên và xã hội), và các yếu tố xã hội khác như bất công bằng, nghèo đói, sự hòa nhập xã hội... Các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe đóng một vai trò vô cùng quan trọng phân tích các vấn đề sức khỏe nhằm phục vụ cho nghiên cứu, can thiệp ra các quyết định trong quản lý và xây dựng chính sách. Tổ chức y tế thế giới đã khẳng định tác động vào các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao sức khỏe, giảm bất công bằng sức khỏe và góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

20. Đạo đức trong Quản lý và Nghiên cứu y sinh học (Giảng dạy cho CKII Tổ chức và Quản lý y tế)

Đạo đức là một vấn đề rất quan trọng. Tất cả các môn học thuộc lĩnh vực y tế đều có những hàm ý về đạo đức. Các cán bộ y tế đều phải đối diện với vấn đề đạo đức trong mọi hoạt động từ công tác tổ chức, quản lý nói chung, đến đào tạo, nghiên cứu,  tiến hành các chương trình can thiệp. Môn học này cung cấp cho học viên cách tiếp cận khoa học trong thảo luận các vấn đề đạo đức trong tổ chức và quản lý y tế. Môn học được thiết kế nhằm giúp học viên xác định được các vấn đề/chủ đề cần thảo luận - những vấn đề/chủ đề mà những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý y tế  luôn phải giải quyết và họ cần phải bàn luận sâu về những mâu thuẫn về giá trị và đạo đức phát sinh trong khi áp dụng những kiến thức quản lý  vào thực tế để đưa ra các quyết định phù hợp với chuẩn mực đạo đức.